Hỗ trợ
Hỗ trợ
083 662 11 66
The Title

Tin tức

Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

Thiet ke chua co ten 2 Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

Thông thường nhắc tới trà đạo hoặc nghệ thuật thưởng trà, mọi người hay nghĩ tới trà đạo của Trung Quốc hoặc Nhật Bản, nhưng không mấy ai biết Việt Nam cũng có nghệ thuật thưởng trà từ lâu đời. Chỉ biết rằng việc pha trà khi có khách, thưởng trà khi thảnh thơi… đã trở thành một nét văn hóa ngấm sâu trong từng nếp suy nghĩ của người dân Việt Nam.
Đời Lý, trà đã trở thành một thức uống tao nhã của giới tăng lữ, sĩ phu và quý tộc. Thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127), ngài Viên Chiếu thiền sư, con của anh trai bà Linh Cảm Thái hậu (vợ vua Lý Nhân Tông), có hai câu thơ đề cập đến tách trà:“Tặng quân thiên lý viễn/Tiếu bả nhất âu trà” (tạm dịch: “Tặng người ngàn dặm cách xa/Cười dâng chỉ một âu trà thế thôi”).
Đến thời nhà Lê (1428 – 1788), trà được đưa vào trong thi ca và là cảm hứng bất tận để các thi nhân sáng tạo nên những áng văn chương tuyệt diệu còn truyền đến ngàn đời sau:
Bao giờ dưới núi làm nhà
Nước khe gối đá pha trà ngủ say.
(Nguyễn Trãi)
Khi hương sớm lúc trà trưa
Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàm
(Nguyễn Du)
Một trong những người nổi tiếng yêu trà nhất trong lịch sử Việt Nam là Chúa Trịnh Sâm. Ông coi mình là “trà nô” và đem triết lí trà nô vào trong các buổi ngự triều, dùng trà thay rượu để ban thưởng mỗi khi có ai đó trong các quan triều thần lập công. Đời truyền lại rằng hàng sáng khi ông ngự trà, Tuyên phi Đặng Thị Huệ sẽ tự tay quạt lò đun nước cho chồng, còn Chúa Trịnh Sâm lại tự mình hãm trà ngự thưởng chứ không sai khiến người hầu.
Ở triều Nguyễn, việc thưởng trà càng trở nên cầu kì, quý phái và được ưa chuộng hơn. Các cung nữ thường chèo thuyền nhỏ đi hứng những giọt sương vương đọng trên lá sen về pha trà cho vua dùng. Khi thưởng trà, ngoài việc uống trà, còn có các loại bánh mứt, trầm hương và than củi để tạo ra không khí thơm ngát và lịch sự hơn.

20240105 144819 Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

Để có chén trà thơm ngon mang hương vị dịu ngọt, người ta phải biết cách pha và tuân thủ theo nguyên tắc pha trà. Thưởng thức trà đạo ở Việt Nam phải trả qua một số bước sau:
1.Pha trà: bước đầu tiên cho việc khai trà. Người Việt có câu rằng: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
Đầu tiên là “nhất thủy”: Nước để pha trà vô cùng quan trọng, nếu nước không được lấy ở suối hay vùng cao thì vị trà sẽ chát, không ngọt hậu, mùi nước trà có vị hơi nồng hoặc hơi tanh khi uống. Hoặc có thể lấy nước mưa được hứng giữa trời hay giọt sương mai sau khi đã được xử lý để pha trà.
Cách đun nước cũng phải đảm bảo giữ được độ thanh tịnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Dùng thìa gỗ lấy một lượng trà nhất định cho vào ấm đất nung, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung” (lá ngọc quay về cung). Sau đó, rót nước vào ấm rồi đổ nước đi. Điều này vừa giúp loại bỏ bụi bẩn có trong trà, vừa giúp trà ngấm nước, nước trà pha xong có độ trong, màu sắc xanh đẹp mắt được gọi là “Cao sơn trường thủy” (núi cao sông dài).

Thứ hai là “nhì trà”: Phần quan trọng hơn cả đó chính là trà. Trà phải được lựa chọn từ vùng cao – nơi có cây chè lâu năm được trồng trên vùng đất đồi, đón ánh nắng tinh khôi, không khí trong lành và tận hưởng dưỡng chất từ thiên nhiên ban tặng. Sau khi hái chè, người ta sẽ phơi dưới nắng khoảng một giờ rồi cho vào lồng quay cho xáo tung lên. Kế tiếp là đến công đoạn diệt men, khử tanin để chè giữ được màu xanh, giảm vị đắng. Cuối cùng là công đoạn vò chè khiến lá chè xoăn lại và có màu xanh đen đặc trưng. Với những người sành trà đạo, trà mộc móc câu (loại trà có lá sao quăn lại như móc câu) là loại quý nhất.

Thứ ba là “tam bôi, tứ bình”: Phần này nhắc đến bộ ấm pha và 4 chén quân (chén nhỏ) cùng với 1 chén tống (hay còn gọi là chén tướng, là chén to nhất trong bộ ấm pha trà). Bên cạnh đó, dụng cụ múc trà, vớt bỏ phải đều phải chọn loại được làm tre hoặc gỗ thơm.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, một bộ đồ trà thời Nguyễn bao giờ cũng hội đủ các dụng cụ dùng cho việc pha trà và thưởng trà, gồm: hỏa lò, siêu đồng nấu nước, hũ sành đựng nước pha trà, hũ đựng trà, ấm trà bằng đất nung và bộ đồ trà bằng sứ kí kiểu. Ngoài ra còn có than củi, trầm hương và vài loại bánh mứt để cuộc trà thêm phần ý vị.

Thứ tư là “ngũ quần anh”: Là tìm bạn trà, khó hơn tìm bạn rượu. Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay bàn chuyện nhân tình thế thái để cảm nhận trong trà có cả cuộc sống.

tra bup zip 100 Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam

2. Rót trà:
Sau khi hoàn tất việc pha trà, người ta sẽ tiến hành rót trà vào chén tống. Nước phải được rót qua thìa gỗ có lỗ thủng dưới đáy xuống chén để lọc bỏ bã trà. Kế tiếp, trà được rót lần lượt từ chén tống vào các chén nhỏ (chén quân) theo chiều từ trái qua phải. Lúc này, hương thơm trà tỏa thoang thoảng giúp du khách cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái.

3. Thưởng trà: người Việt có 3 cách thưởng trà: độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), và quần ẩm (nhiều người).

Độc ẩm (một mình): Cách này phù hợp với những nhà nho, họa sĩ hoặc có thể là nhà văn, nhà thơ, các sư thầy. Khi độc ẩm, họ thường vừa nhâm nhi ly trà vừa tức cảnh sinh tình mà làm thơ hoặc tựa cảnh phác lên vài bức ký họa để đời.
Đối ẩm (hai người): Thường sẽ có hai người cùng nhau pha trà ngồi tâm giao, hàn huyên vài câu chuyện về nghề, về gia đình và cũng có thể là những bài thơ, ván cờ, câu chuyện ngày xưa để nhớ lại những kỷ niệm cũ.
Quần ẩm (nhiều người): Đây là cách thức thưởng trà thể hiện tính cộng đồng làng xã của Việt Nam. Khi cùng nhau ngồi xuống uống trà, họ không phân biệt chức tước, địa vị, tất cả đều có thể quây quần bên nhau thưởng trà.

Khi thưởng trà, người ta phải nâng ly trà không để tràn ra ngoài, đưa sang trái rồi qua phải để hương thơm trà được bay qua mũi vấn vương. Sau đó mới đưa lên miệng uống một ngụm trà nhỏ, cảm nhận được hương vị chát, ngọt, bùi của trà.

Cứ như vậy, trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và lối sống của người Việt Nam từ rất lâu đời. Có thể nói trà là thức uống hiếm có khi vừa mang tính bình dân thể hiện qua chén nước tại quán ven đường, trong ấm trà pha mỗi sáng của mọi gia đình nhưng vẫn chứa đựng sự cao quý khi thú thưởng trà trở thành nghi lễ thiêng liêng tại trà thất nơi cung đình, phòng trà của giới quý tộc.
(Sưu tầm)

Danh mục sản phẩm

Sản phẩm nổi bật

Bài viết liên quan

083 662 11 66
083 662 11 66
Messenger
Messenger